Sau khi đã chuẩn hóa công nghệ, nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tới những thị trường lớn, việc quay trở lại “tái chiếm” thị trường trong nước là việc một số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang làm.
Khai thác thị trường nội địa cũng là cách phân bổ thị trường, hạn chế rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn.
Tiềm năng thị trường “nội”
Việt Nam được đánh giá là thị trường năng động, nhu cầu liên tục tăng cao với 60% dân số dưới 30 tuổi. Việt Nam có 500 doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, nhưng gần 80% thị phần hiện nay thuộc về các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông. Vì vậy, việc đầu tư phát triển thị trường trong nước của các doanh nghiệp được nhìn nhận là bước đi phù hợp.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp cần phát triển thị trường trong nước. Ông nhấn mạnh: “Thị trường này còn nhiều chỗ trống. Doanh nghiệp cần xem đây là thị trường chiến lược lâu dài trong nhiều năm, không phải vì xuất khẩu khó khăn mà doanh nghiệp mới tính chuyện mang hàng bán trong nước”.
Việc kinh doanh tại thị trường này có nhiều lợi thế, bởi nhu cầu ổn định. Sản phẩm mang thương hiệu công ty, công ty chủ động sáng tạo mẫu mã. Giá cả doanh nghiệp cũng có thể điều tiết linh hoạt theo nhu cầu thị trường, kế hoạch sản xuất ổn định.
Tuy nhiên, việc lập kế hoạch khai thác thị trường nội địa sao cho hiệu quả thì không phải dễ. Một nữ lãnh đạo doanh nghiệp gỗ cho biết, việc quay về thị trường nội địa không đơn giản. Một công ty gia tăng hoặc xâm nhập thị phần vào thị trường nội địa đồng nghĩa một công ty khác bị giảm hoặc mất thị phần mà bà ví von rằng “đụng nhau sứt đầu mẻ trán”. Đó là chưa kể trong bối cảnh khó khăn, sức mua suy giảm. Bà cho rằng, việc tiếp cận với người tiêu dùng là vấn đề gay go nhất.
Do đó, việc xác định thế mạnh ngành hàng và tập trung vào thị trường ngách sẽ giúp doanh nghiệp bán hàng hiệu quả. Hiện nay, ngoài phân khúc hàng bình dân phục vụ số đông, các sản phẩm sử dụng gỗ tốt, tinh tế trong thiết kế và có công năng sử dụng ưu việt phục vụ khách hàng hạng sang được coi là phân khúc thị trường đầy tiềm năng của thị trường trong nước. Điều này cũng lý giải vì sao thời gian gần đây, nhiều thương hiệu đồ gỗ nổi tiếng thế giới đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên cái khó, là không phải doanh nghiệp gỗ nào cũng có đủ tiềm lực để khai thác thị trường này. Đầu tư vào phân khúc này, doanh nghiệp phải có đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp, nắm bắt nhu cầu của khách hàng vì các mẫu mã liên tục thay đổi , tiềm lực tài chính mạnh để đầu tư xây dựng kênh bán hàng chuyên nghiệp.
NaNo tập trung mạnh vào thị trường đồ nội thất hạng sang và gia tăng dịch vụ. |
Khép kín chu trình sản xuất, gia tăng lợi thế cạnh tranh
Một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp là nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu tới 80%. Vì vậy, hiện nay một số doanh nghiệp đã đầu tư quy mô ngay từ đầu vào bằng cách trồng rừng nguyên liệu. Trong số khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất gỗ, hiện nay chỉ có dưới 10 doanh nghiệp tự trồng rừng để phần nào chủ động nguồn nguyên liệu.
“Việc trồng rừng giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu để khai thác, giúp địa phương bảo vệ môi trường và tạo công ăn việc làm” – ông Lê Xuân Quân – TGĐ CTCP Kiến trúc và nội thất Nano chia sẻ. NaNo là 1 trong không nhiều doanh nghiệp gỗ có đầu tư khép kín từ khâu trồng rừng đến thiết kế, sản xuất, thi công và phân phối sản phẩm. hiện NaNo đã trồng 50 ha tại huyện Nghĩa Đàn và Quế Phong (Nghệ An). Dự tính trong 5 năm tới, NaNo sẽ quy hoạch và trồng 10.000ha rừng.
Việc cải tiến mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước cũng là cơ sở để khẳng định thành công hay thất bại khi đầu tư thị trường trong nước. Công ty TNHH Minh Long 1 đưa ra bài toán: làm gì để bán sản phẩm bộ bàn ăn bằng giá sản phẩm bộ bàn trà mà không vi phạm chiến lược không giảm giá? Câu trả lời là có, với điều kiện cấu trúc lại bộ bàn ăn mới phù hợp thị hiếu tiêu dùng nội địa.
Còn với NaNo, việc thăm dò thị hiếu là ưu tiên trước khi đưa các loại đồ nội thất ra thị trường. Thành công với việc xuất khẩu đồ gỗ nội thất sang hai thị trường lớn là Mỹ và Canada, hiện NaNo đang tập trung phát triển thị trường trong nước. Có lợi thế cập nhật các xu hướng và những tiện ích sản phẩm của các đối tác quốc tế, đội ngũ thiết kế của NaNo luôn được đầu tư cao nhất để sản xuất những mặt hàng tiện ích sử dụng cao.
Xác định chu trình sản xuất khép kín là lợi thế cạnh tranh, nên NaNo cũng vừa khai trương một showroom đồ nội thất để cung cấp các mẫu mới cho khách hàng. Với quy mô 500m2 tại Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính của Hà Nội, showroom có thể phục vụ cả các khách hàng đại lý và nhu cầu dân dụng. Song song với việc khai trương showroom, NaNo đang tạo lập kênh phân phối để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với tiêu chí “người Việt phải được sử dụng hàng chất lượng cao với đúng giá trị thật của nó”.